Trầm Hương Là Gì? Phân Loại và Nhận Biết Đúng Các Loại Trầm
Trầm hương là loại gỗ quý hiếm, có quá trình hình thành và đặc điểm khác hoàn toàn với những loại gỗ thông thường. Tùy vào số năm tích trầm và chất lượng gỗ, gỗ trầm hương được chia thành nhiều loại khác nhau.
Trầm hương là gì? Quá trình hình thành gỗ trầm hương
Trầm hương (tiếng Anh: Agarwood) là loại gỗ quý gắn liền với nét văn hoa tâm linh của người Việt. Thông thường, các loại gỗ quý khác thường được sử dụng để làm các vật dụng trong gia đình hoặc tượng để trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, gỗ trầm hương có chất mềm, dễ bị tổn thương, hư hại nên ít được sử dụng cho những mục đích này.
Điểm khác biệt của gỗ trầm hương là hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng và tao nhã. Chính nhờ có mùi hương đặc trưng và gỗ mềm bóng, trầm hương chủ yếu được dùng để làm vật phẩm phong thủy (vòng tay, nhẫn, dây chuyền, tượng,…). Ngoài ra, trầm hương còn là vị thuốc trong Đông y và được sử dụng để sản xuất nước hoa, tinh dầu.
Nhiều người lầm tưởng trầm hương là gỗ của cây trầm hương. Tuy nhiên, trên thực tế không có loại cây này, mà đây chỉ là cách gọi sai lệch do người Việt có thói quen đặt tên gỗ tương tự như tên của cây. Gỗ trầm hương vốn được hình thành trong thân cây Dó bầu nhưng chỉ 1000 cây mới có 1 cây có khả năng tụ trầm.
Cây dó bầu là loài thực vật thân gỗ sống trong những khu rừng nguyên sinh, thứ sinh. Khi thân cây có vết thương do bị chim đục, côn trùng cắn phá, bom đạn găm vào, thân cây nứt/ gãy do giông bão, sét đánh,… thân cây sẽ tiết ra nhựa để tránh sự xâm nhập của nấm mốc và vi khuẩn ngoại sinh.
Theo thời gian, nhựa từ cây tụ lại ở vết thương và vùng gỗ xung quanh tạo thành gỗ trầm. Đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, cây dó bầu không bị mục ruỗng, gục ngã mà nỗ lực chống chọi để phát triển mạnh mẽ và tạo ra linh khí của trời đất.
Có thể nói, quá trình hình thành gỗ trầm hương có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gỗ trầm hấp thu gió sương, trải qua nắng nóng, mưa giông mới sở hữu mùi hương ngào ngạt, tao nhã và vân gỗ độc đáo khó có loại gỗ nào có thể sánh bằng. Cũng chính vì ý nghĩa thiêng liêng này, trầm hương thường được dùng để chế tác tượng thờ và làm nhang.
Các loại trầm hương và cách nhận biết các loại trầm
Trầm hương là tên gọi chung của loại gỗ đặc biệt được tạo ra bên trong thân cây dó bầu. Tuy nhiên, hàm lượng tinh dầu, mùi hương và đặc điểm chất gỗ có sự khác biệt tùy theo tuổi trầm và điều kiện phát triển. Hiện nay, trầm hương được chia thành 4 loại là kỳ nam, trầm hương tự nhiên (còn được gọi là trầm), trầm tốc và trầm nhân tạo.
1. Kỳ nam – Loại hạng nhất
Kỳ nam (còn được gọi là kỳ) là loại gỗ có chất lượng tốt nhất trong tất cả các loại trầm. So với trầm hương tự nhiên, kỳ nam quý hiếm hơn rất nhiều và sản lượng vô cùng khan hiếm.
Kỳ nam cũng được tạo thành bên trong cây Dó bầu với cơ chế tương tự nhưng kỳ nam lại có lượng tinh dầu cao hơn và thời gian tụ trầm lâu hơn. Nói một cách dễ hiểu thì kỳ nam chính là trầm hương đã trải qua thêm một thời gian tụ trầm dài. Tuy nhiên, để trầm hương biến thành kỳ nam còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết. Chính vì vậy, kỳ nam là loại gỗ vô cùng quý hiếm và có giá bán rất đắt đỏ.
Cách nhận biết kỳ nam – loại gỗ trầm hương quý nhất:
- Bạch kỳ nam: Bạch kỳ nam là loại kỳ nam có hàm lượng tinh dầu cao nhất và cực kỳ quý hiếm. Các chuyên gia ước tính, loại gỗ này có thời gian tụ trầm kéo dài khoảng 3000 năm. Lúc này, gỗ trầm không còn mềm, bóng như trước mà đã hóa thạch và trở nên cứng chắc. Bạch kỳ nam có màu trắng đục, mịn và có mùi thơm vô cùng đặc trưng.
- Thanh kỳ: Thanh kỳ là gỗ trầm hương có thời gian tụ trầm khoảng 2500 năm và quý hiếm chỉ sau bạch kỳ nam. Loại gỗ trầm hương này có màu xanh lam ánh tím, mặt bên trong có xen kẽ giữa màu vàng và xanh lá cây. Thanh kỳ có mùi hương tao nhã, nồng nàn với sự kết hợp của hương thơm mát của núi rừng, sau đó là mùi hương anh túc và sự ngọt ngào, ấm nóng của mật ong.
- Hoàng kỳ: Hoàng kỳ là gỗ trầm hương có thời gian tụ trầm từ 1500 năm. Như tên gọi, loại gỗ này có màu vàng như màu hổ phách, chất nặng, cứng và độ bóng cao. Hoàng kỳ có mùi thơm dịu nhẹ, không nồng nàn như thanh kỳ kèm thêm một chút mùi quế thoảng qua. Khi nếm, sẽ thấy loại gỗ này có vị mát lạnh và ngọt đắng.
- Hắc kỳ nam: Hắc kỳ nam có màu đen, chất nặng, cứng nhưng ngay khi tiếp xúc với ánh sáng sẽ có các điểm sáng như giữa nền vân gỗ đen. Hiện tại, trên thị trường có một số lượng ít hắc kỳ nam được bán với mức giá vô cùng đắt đỏ. Để tránh mua phải gỗ giả, có thể đốt hoặc nếm thử hắc kỳ nam. Gỗ thật khi đốt sẽ có mùi thơm thoảng nhẹ, thư giãn và khi nếm vào sẽ có vị cay, hơi đắng.
Kỳ nam có giá thành quá đắt đỏ nên chủ yếu được các đại gia có thú chơi gỗ săn lùng để làm đa dạng bộ sưu tập. Ngoài ra, một số người không ngần ngại tìm mua kỳ nam để chữa bệnh vì dược tính và công năng mạnh hơn rất nhiều so với trầm hương tự nhiên.
2. Trầm hương tự nhiên
Trầm hương tự nhiên còn được gọi là trầm. Đây là loại gỗ trầm hương được sử dụng phổ biến nhất. Trầm hương tự nhiên là gỗ trầm được hình thành tự nhiên trong thân cây Dó bầu và được khai thác khi đã đủ tuổi. Dù không khan hiếm như kỳ nam nhưng gỗ trầm hương cũng có giá thành khá cao vì trung bình 1000 cây mới có 1 cây tạo trầm và quá trình khai thác cũng rất gian nan.
Trầm hương tự nhiên cũng được chia thành nhiều loại khác nhau tùy theo chất lượng bao gồm:
- Trầm rễ: Trầm rễ là loại gỗ trầm hương chứa hàm lượng tinh dầu cao nhưng không nhiều như kỳ nam. Vì thời gian tụ trầm ngắn hơn nên mùi hương của trầm rễ cũng không có nhiều tầng hương và đặc trưng như thanh kỳ hay hắc kỳ nam.
- Trầm kiến: Trầm kiến là một trong những loại gỗ trầm hương tự nhiên. Loại gỗ này chỉ hình thành ở những cây có nhiều hang, lỗ do kiến đục để làm tổ. Sau đó, nhựa cây chảy ra để làm bảo vệ vết thương và ngăn ngừa nấm mốc, mối mọt. Đây cũng là lý do vì sao loại gỗ này được gọi trầm kiến.
- Trầm mắt tử: Trầm mắt tử là loại gỗ trầm được hình thành từ cây Dó bầu có một số cành đã chết hoàn toàn. Lúc này, toàn bộ cây dồn hết sức mạnh để hồi sinh phần cành đã chết và vô tình tạo thành trầm hương. Gỗ trầm thường xuất hiện ở vị trí giữa thân cây và cành bị gãy, đứt do sét đánh hoặc giông bão.
Hiện nay, trầm hương tự nhiên được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, gỗ trầm thường có màu nâu nhạt đến nâu đậm tùy theo tuổi trầm và điều kiện phát triển. Tuy nhiên, mùi hương của trầm sẽ có sự khác biệt rõ rệt tùy theo chất lượng.
3. Trầm tốc
Trầm tốc là trầm hương loại ba. Loại gỗ trầm này chứa hàm lượng tinh dầu thấp nên mùi hương thoang thoảng và không ngào ngạt như trầm hương tự nhiên hay kỳ nam. Mặc dù có mùi hương nhẹ nhưng mùi của trầm tốc không bị phai theo thời gian và chất gỗ khá chắc, ít bị hư hại. Với giá thành dễ chịu hơn, cũng có khá nhiều khách hàng lựa chọn trầm tốc thay vì kỳ nam hay trầm hương.
Trầm tốc thường có màu vàng nhạt, chất cứng và không bóng như trầm hương do hàm lượng tinh dầu thấp hơn. Loại này được chia thành nhiều loại như tốc đỉa, tốc hương, tốc pi, tốc dây và tốc banh. Trong đó, tốc hương có mùi thơm rõ hơn do dầu được tụ thành từng thành mảng dài.
4. Trầm nhân tạo
Quá trình tạo gỗ trầm hương mất rất nhiều năm (ít nhất từ 10 năm trở lên và có thể mất từ hàng chục đến hàng trăm năm đối với các loại trầm quý hơn. Chính vì vậy, sản lượng trầm trong tự nhiên không nhiều. Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao, nhiều địa phương đã tiến hành trồng Dó bầu tạo trầm hương nhân tạo.
Khi cây Dó bầu đã phát triển tương đối, người nuôi sẽ tạo vết thương một cách chủ đích để cây tự sản sinh nhựa và kích thích hiện tượng tụ trầm. Về cơ bản, trầm hương nhân tạo vẫn có chất gỗ đẹp và mùi hương đặc trưng. Hơn nữa vì được nuôi trồng trong điều kiện thuận lợi nên cây phát triển nhanh hơn so với khi mọc tự nhiên.
So với trầm tự nhiên, trầm hương nhân tạo có mùi thơm thoảng nhẹ hơn và chất gỗ khá nhạt màu, chất cứng và không bóng nhiều do lượng tinh dầu thấp. Mặc dù vậy, một số cây vẫn cho chất gỗ đẹp, có thể sử dụng để làm các vật phẩm phong thủy và trang sức. Các loại gỗ có chất lượng kém hơn được dùng để sản xuất tinh dầu, nước hoa và làm nhang trầm.
Phân loại trầm hương theo xuất xứ
Hiện nay, thị trường trầm hương chủ yếu dùng trầm hương tự nhiên từ nhiều quốc gia khác nhau. Trầm tốc, trầm nhân tạo cho mùi hương thoảng nhẹ và chất gỗ không đẹp nên thường được dùng làm nhang hoặc tinh dầu đuổi muỗi, côn trùng.
Cây dó bầu là loài thực vật thường xanh, ưa sáng và sinh trưởng tốt trong khí hậu nhiệt đới. Do đó, các quốc gia Đông Nam Á và một số nước Châu Á đều có sản lượng trầm hương tự nhiên khá dồi dào. Đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt khiến cho gỗ trầm hương ở những quốc gia này cũng có sự khác biệt rõ rệt.
1. Trầm hương Việt Nam
So với trầm hương của các quốc gia khác, trầm hương Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt nhất. Gỗ trầm có màu nâu bóng đẹp nhờ hàm lượng tinh dầu cao, vân trầm dày, đậm và rõ nét. Mùi thơm của gỗ trầm Việt Nam rất đặc trưng và để lại ấn tượng sâu sắc chỉ sau một lần thưởng thức.
Ở nước ta, cây dó bầu – trầm hương tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Trầm hương tự nhiên sở hữu hàm lượng tinh dầu cao, mùi hương tao nhã, cuốn hút mang đến cảm giác thư giãn và thoải mái. Dù hương trầm không nồng nàn như hương hoa nhưng lại rất lâu phai và mang đến cho bầu không khí thanh tịnh, an nhiên.
2. Trầm hương Ấn Độ
Trầm hương Ấn Độ là một trong những loại gỗ trầm hương tự nhiên được yêu thích trên thị trường. Với khí hậu nhiệt đới đặc trưng, trầm hương Ấn Độ chứa hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm nồng nàn hơn so với trầm hương Việt Nam. Tuy nhiên, giá gỗ trầm hương Ấn Độ khá cao nên người Việt vẫn ưa chuộng trầm hương trong nước hơn.
3. Trầm hương Indonesia
Trầm hương Indonesia có mùi thơm nồng, chất gỗ nặng, có màu đen sẫm và vân trần dày. Nếu so sánh với trầm hương Việt Nam, gỗ trầm có xuất xứ từ Indonesia có chất lượng không thua kém. Tuy nhiên, màu sắc của trầm tương đối tối nên không thích hợp với những người trẻ tuổi.
Hơn nữa, số lượng trầm hương Indonesia ở thị trường Việt Nam không nhiều và dễ bị làm giả nên bạn đọc cần chú ý khi mua loại gỗ trầm này.
4. Trầm hương Lào
Có khí hậu khá giống với Việt Nam, trầm hương Lào cũng là lựa chọn được nhiều khách hàng yêu thích. Khác với trầm hương Indonesia, trầm hương có xuất xứ từ Lào có màu xám gỗ hoặc vàng xám, vân trầm đậm hơn, hiện rõ và có mùi hương thoảng nhẹ.
Vì vị trí địa lý, thổ nhưỡng và khí hậu không quá khác biệt nên rất nhiều người yêu thích trầm hương Lào. Vào những thời điểm khan hiếm trầm hương Việt Nam, nhiều người chuyển sang sử dụng trầm hương Lào vì chất lượng không quá khác biệt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng màu sắc của gỗ trầm Việt đẹp và đa dạng hơn.
5. Trầm hương Philippines
Ngoài các loại trầm hương trên, trầm hương Philippines cũng là lựa chọn của khá nhiều người. Gỗ trầm có xuất xứ từ Philippines có màu đen xám, vân rất dày và có màu đậm. Hương thơm của trầm thanh hơn so với trầm hương Việt Nam.
Về chất lượng, trầm hương Philippines không quá khác biệt so với trầm hương Việt Nam. Tuy nhiên, do phải tính thêm chi phí nhập khẩu nên giá của trầm Philippines đắt hơn. Đây cũng là lý do vì sao trầm hương Việt Nam vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu.
Giá trị của gỗ trầm hương
Trầm hương là loại gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Giá gỗ trầm phụ thuộc vào loại trầm hương, xuất xứ, chất lượng dầu, hoa văn, hình dáng, kích thước và nhiều yếu tố khác. Nhưng nhìn chung, gỗ trầm hương có giá trị không thua kém các kim loại quý và luôn được săn lùng.
Giá trị của trầm hương không chỉ ở vân gỗ đẹp và mùi hương tao nhã, hiếm có mà còn vì loại gỗ này đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe và có ý nghĩa sâu sắc trong tâm linh. Trầm hương được tạo thành trong hàng chục năm từ vết thương trên thân cây Dó bầu và phải trải qua sương gió, thời tiết khắc nhiệt. Dần dần tạo thành chất gỗ có mùi hương thanh tao, vị cay đắng, tính ấm mang hành Dương.
Trong quan niệm phong thủy, trầm hương giúp xua đuổi tà khí, hóa hung thành cát, chiêu tài lộc và thanh tẩy uể khí. Ngoài ra, mùi hương từ loại gỗ này còn mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn và bình yên trong tâm hồn. Cũng chính vì vậy mà gỗ trầm được dùng nhiều trong Phật giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo.
Trải qua thời gian dài hình thành bên trong thân cây Dó bầu, gỗ trầm hương hấp thu tinh hoa trời đất và ẩn chứa trong mình nguồn năng lượng tích cực. Mang các vật phẩm phong thủy bên mình có thể loại bỏ tà khí, giúp tâm tĩnh, tinh thần thoải mái và nhẹ nhàng.
Ngoài ra, trầm hương – kỳ nam còn là vị thuốc Đông y được sử dụng từ lâu đời. Theo ghi chép, dược liệu này có vị cay đắng, tính ấm, tác dụng tráng nguyên dương, ôn trung, chỉ thống, giáng khí, chống nôn,…
Nghiên cứu từ y học hiện đại cũng cho thấy, gỗ trầm chứa chứa nhiều hoạt chất hóa học có tác dụng trị các bệnh về đường hô hấp, nôn mửa và đau nhức hiệu quả. Đặc biệt, gỗ trầm hương còn chứa một lượng lớn Mangiferin có tác dụng chống oxy hóa mạnh, tăng cường sức đề kháng và có tiềm năng trong điều trị ung thư.
Ứng dụng thực tế của gỗ trầm hương
Có thể nói, trầm hương là một trong những loại gỗ quý có tác dụng đa dạng và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, gỗ trầm có chất lượng tốt thường được sử dụng để chế tác vật phẩm phong thủy và làm thuốc. Gỗ trầm hương có chất lượng kém hơn thường được dùng để làm tinh dầu, nhang trầm và sản xuất nước hoa.
Mùi của trầm hương rất tao nhã và dễ chịu nhưng khó diễn tả. Mùi hương của loại gỗ này bao gồm nhiều tầng hương khác nhau và có sự khác biệt tùy vào tuổi trầm, đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu. Khi bước vào không gian thờ cúng, không khó để nhận ra mùi hương trầm ngào ngạt, mang lại cảm giác thư thái và dễ chịu.
Tinh dầu từ trầm hương thường được sử dụng để tẩy uế, đuổi muỗi, côn trùng và giữ cho không gian luôn sạch sẽ. Nhiều người có thói quen cho tinh dầu trầm hương vào máy khuếch tán tinh dầu hoặc đốt nhang trầm khi thiền định, đọc sách, uống trà,… để tìm cho mình chút tĩnh lặng giữa cuộc sống bộn bề.
Hy vọng qua thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về đặc điểm của gỗ trầm hương, quá trình hình thành, phân loại và lợi ích mà loại gỗ này mang lại. Hiện nay, nhu cầu trầm hương tăng cao nhưng sản lượng trong tự nhiên đang suy giảm dần nên rất nhiều địa chỉ kinh doanh trầm hương giả, kém chất lượng để trục lợi. Vì vậy, bạn đọc nên thận trọng khi tìm mua các vật phẩm được từ loại gỗ này.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!